Translate

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

vần S bản DANH MỤC (Repertoire) về người phu mộ chân đăng VN ở Tân đảo - Tân Thế giới




 DANH MỤC
(Répertoire)
Vê người Việt nam ở Tân đảo – Tân Thế giới
và những địa danh, cơ sở liên quan.




Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế giới - New Caledonia


Biên soạn : Jean Van Son – Vanuatu


LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử của người phu mộ Bắc kỳ ở Tân đảo là một trong những trang sử hào hùng vẻ vang về cuộc sống tha phương của người lao động Việt nam ở Hải ngoại nói chung. Bởi vậy việc ghi chép lại tên tuổi và những địa danh, cơ sở liên quan trước và sau thời kì nô lệ của các bậc cha mẹ, chú bác tại nơi đất khách quê người là một việc làm cần thiết.

Kho tàng về các sự kiện lịch sử của người VN ở Tân đảo rất nhiều và phong phú. Đến nay, ngoài công trình của Cụ cố Đồng Sỹ Hứa qua cuốn « Từ Châu Đại dương về Việt nam » (De la Mélanésie au Viêt nam), còn có rất nhiều công trình nghiên cứu khác. Ở đây tác giả chỉ muốn nêu và hệ thống hoá những con người, những sự việc và sự kiện theo góc độ và cách nhìn nhận của chính bản thân mình dựa theo các tư liệu khác nhau cho dễ tìm, dễ đọc mà thôi.

Bản tập hợp Danh mục này có thể có những thiếu sót, nhầm lẫn nhất định. Bởi thế, tác giả mong muốn nhận được nhiều ý kiến phê bình, đóng góp của nhiều người, đặc biệt của số anh chị em Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới  thế hệ hai, ba đang sinh sống ở VN cũng như các nơi khác trên Thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn tất cả các chú bác, các anh chị em và bạn bè xa gần đã chú ý theo dõi.





Tài liệu tham khảo:
-       Tư liệu của cụ cố Đồng Sỹ Hứa.
-       Tư liệu trên trang Wikpedia về Tân đảo New Hebrides/Vanuatu.
-       Tư liệu của Virginia RIOU và Patrick O’REILLY.
-       Les Nouvelles Caledoniennes
-       Blog Café, The, La Soupe cuả BUI Hiệp
-       Blog Tiebaghi A.1719 cuả BUI Franck Hiệp.
Sắp xếp: theo thứ tự vần ABC.
Kí tự viết tắt: ĐSH = Đồng Sỹ Hứa. ĐT = Đội trưởng. HLV = Huấn luyện viên. TM = Thủ môn
TT = Từ trần. VNCNĐTĐ = Việt Nam Công Nông Đoàn Tân đảo.
LĐAHVN = Liên đoàn Ái hữu Việt nam. USV = Union Sportive Vietnamienne
N.H. = Nouvelles-Hébrides (Tân đảo cũ nay là Vanuatu)
N.C. = Nouvelle Calédonie (Tân thế giới cũ nay là Tân đảo mới)




S.

Nguyễn Công Sách  - Đứng sau ông Nguyễn Đắc Cát (cầm cặp da) 
·         Sách (Nguyễn Công). Quê ở Tỉnh Hải dương. Nguyên là công nhân phu mộ VN làm việc trong các đồn điền trồng dừa ở Tân đảo. Sau năm 1945, ông được bầu làm thư kí ban chấp hành Hội Việt nam Công đoàn. Ông đã từng làm giáo viên của trường Công đoàn. Bị trục xuất về VN trên con tầu Ville d’Amiens cùng với các cán bộ Công đoàn khác.


Đồn điền Sarmettre ở đảo Malakula (Ảnh vệ tinh)

·         Sạc-mét (Đồn điền Sarmettre Malakula). Một trong những đồn điền trồng dừa lớn ở vùng nam đảo Malakula. Do gia đình Tơi (Theuil) quản lý. Trước năm 1945, có rất nhiều công nhân phu mộ VN đã làm việc tại đồn điền này.


Tầu Sagittaire neo đậu tại Cảng Hải phòng

·         Sa gi te (Tàu Sagittaire). Một loại tầu vận tải biển dài 160 mét rộng 20 mét. Được đóng và hạ thủy năm 1929 do hãng Bremer Vulcan. Hãng Vận tải thủy Messageries Maritimes mua lại năm 1938 và đưa vào sử dụng trên tuyến đường Đông dương – Pháp. Tháng 3 năm 1946 được sử dụng để hồi hương lính viễn chinh của Pháp trên các quân đảo Polynesie và New Caledonia. Năm 1949 và 1952 đã thực hiện hai chuyến hồi hương Việt kiều Tân Thế giới về Hải phòng.
Năm 1954 bán lại cho Hong kong và năm 1959 cắt thành sắt vụn ở Nhật.


Phóng viên nhiếp ảnh Phạm Ngọc San Rolland Noumea New Caledonia

·         San (Phạm Ngọc Rolland). Con của người phu mộ chân đăng Tân Thế giới. Theo cha mẹ và gia đình hồi hương về VN. Sinh sống tại Hà nội. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà nội. Trở lại định cư ở Noumea Tân Caledonie trước năm 1990. Là một trong những người hoạt động tích cực của cộng đồng người VN tại Noumea. Ông có nhiều đóng góp lớn trong việc vận động quyên góp tiền ủng hộ giúp đỡ những người chân đăng cao tuổi đang sinh sống ở VN. Cụ thể là nhóm tình thương. Ông có nhiều bài viết và phóng sự về cuộc sống làm ăn của bà con VK  tại Tân Thế giới. Cộng tác viên đắc lực cho các cuốn phim do VTV4 dan dựng. Đồng thời cũng là một doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Ông giữ một vai trò trọng yếu trong khối đoàn kết và đường giây liên kết giữa bà con anh chị em tại Caledonie với anh chị em VK trong nước.


Hình ảnh đảo Santo và ảnh khu vực cảng Canal bây giờ 

·         Sang tô (Santo). Một hòn đảo lớn nhất ở Tân đảo nay là quốc đảo Vanuatu. Với diện tích khoảng 4.000 km2 và dân số khoảng 50.000 người (tương đương dân số thủ đô Port Vila). Có ngọn núi Tabwemasana cao 1879 mét. Đảo này do nhà hàng hải Bồ đào nha Pedre Fernandos de Quiros phát hiện năm 1606. Đặt tên đảo là Espiritus Sanctos. Năm 1942 quân đội Hoa kì đã đổ bộ lến đảo này. Lập căn cứ quân sự lớn tại Luganville. Quân số lên tới hơn 200 ngàn quân lính thủy đánh bộ. Nhằm ngăn chặn quân đội Nhật hoàng từ Solomon tràn xuỗng Nam Thái bình dương.
Người công nhân phu mộ VN đến đây làm việc rất đông từ những năm 1923 trong các đồn điền Chapuis, Simonsen, Sara-utu, Houchard, Ratard, Hagel, Malo v.v… Năm 1929 đã xẩy ra vụ án tại Malo Pass. Tên chủ Sơ-va-liê đã bị ám sát. 4 người công nhaanlien can đến vụ án đã bị xử tử hình ngày 28/7/1931 tại trại lính Tây ở Port Vila.
Gần đây đã xây dựng nhà máy thủy điện tại song Sarakata. Có điểm du lịch nổi tiếng thế giới tại mũi đất đầu lạch Canal có tên là “Million dollar point”. Dưới đáy biển nơi đây đang tồn tại hàng ngàn xác xe cơ giới và thiết bị quân sự được quân đội Mỹ vứt xuống năm 1946, vì chính quyền Anh và Pháp lúc đó không chịu bỏ số tiền 1 triệu đô để mua.

·         Sánh (Đặng đình). Quê ở Nam định. Nguyên là một phu mộ chân đăng làm tại mỏ kên Doniambo. Hồi hương về VN, ông và gia đình sinh sống tại phố Hàng Tiện. Đã từng giữ chức đội trưởng đội xe ô tô của Công ty Thực phẩm Nam định. Có nhiều đóng góp trong việc phục vụ kháng chiến chông Mỹ năm 1964-1972.


Đội bóng đá Sao vàng khu vực Xưởng Ba-lăng Port Vila Tân đảo

·         Sao vàng (đội bóng đá). Tên của đội bóng đá thanh niên VN khu vực Ba-lăng do Dương văn Đạm làm đội trưởng. Một trong những đội mạnh nhất của phong trào Thể dục Thể thao Việt nam tại Port Vila Tân đảo những năm 1960-1964.


BCH đoàn Thanh niên VK Chapuis Santo Tân đảo

·         Sa-puy (Trại Việt nam số 1 Chapuis Santô). Nằm trong khu đồn điền rộng lớn của chủ Chapuis và Simonsen. Sau năm 1945, VNCNĐ do ông Đồng sỹ Hứa lãnh đạo đã thương thuyết với chính quyền địa phương và các chủ đồn điền dành khu đất Chapuis (trại số 1), Sarakata (số 2) và Ballande (số 3) cho những coongnhaan VN hết hạn giao kèo lập trại làm ăn sinh sống và chờ tầu hồi hương. Dấn số ở Sa-puy khoáng trên 400 người. Do ông Phó Tổng thư kí Trần khắc Khoan lãnh đạo.


Phong trào TDTT Trại số 2 Sarakata Santo Tân đảo

·         Sarakata (Trại Việt nam số 2 ở Santô). Cũng như Sa-puy. Dân phu mộ ở đây khoảng trên 300 người. Nhưng thuận lợi vì gần thành phố Luganville và sông Sarakata. Do ông Tổng đại biểu Mô chịu trách nhiệm.


Thủ tướng nước CH Vanuatu Sato Kilman

·         Sato Killman. Người dân gốc ở làng Lakatoro đảo Malakula. Nguyên là mục sư. Sau trở thành thủ lĩnh đảng Nhân dân Tiến bộ (People Progress Party). Đã từng giữ chức vụ Thủ tướng Vanuatu nhiều nhiệm kì.


Sau Nguyễn - Niaoulis - nguyên Đại biểu quốc hội Tỉnh Hải dương Việt nam

·         Sáu (Nguyễn). Việt kiều sinh trưởng tại Noumea. Hồi hương về VN sinh sống và làm việc tại TP Hải dương. Đã từng là đại biểu Quốc hội 2 khóa của Tỉnh Hải dương. Về hưu, ông trở thành nhà hướng dẫn Du lịch nói tiếng Pháp có tên tuổi  tại Khu vực vùng núi Sa-pa. Trên 70 tuổi. Là một nhà leo núi vượt đèo dẻo dai xưa nay hiếm. Rất đông đảo khách du lịch quốc tế mến mộ.

·         Say cá. (Tây gọi “La gratte”). Ở VN không thấy ai nói đến say cá. Nhưng ở Tân đảo/Vanuatu là chuyện thường gặp. Nguyên nhân là do ăn phải cá ngộ độc chất tốc-xin (tocxine) do san hô biển tiết ra khi động biển bị sóng đánh vỡ. Có khi là do mùa san hô trổ hoa. Cá ăn san hô thì khỏe re. Nhưng người ăn phải loại cá đó thì mắc bệnh. Nhẹ thì chân tay bủn rủn, tê nhức các khớp xương, một vài ngày khỏi. Nặng thì bò lê bò càng, nôn ọe. Các khớp xương đau dữ dội tê buốt đến tận óc. Có người bị rụng hết tóc đầu, phải đi cấp cứu bệnh viện. Thường gặp ở các loại cá song hoa (loche), cá mè vàng (ca-rông), cấ chép biển (bec de canne), cà hồng (rouget) v.v… Rút kinh nghiệm, bây giờ phương pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là cắt một miếng thịt cá vứt ra đất. Nếu kiến và ruồi bâu nhiều là không có độc tố. Kiến ruồi đến ngửi bỏ đi thì nên vưt con cá đó đi.


Thanh niên VN săn bắn trong rừng đảo Efate Tân đảo

·         Săn bắn chim : Trước hồi hương 1964, thanh niên VN ở Tân đảo mê môn săn bắn chim trong rừng nguyên thủy ở dẫy nùi Forari, Ê bu lê, Bu-phà, Ma la sa, Tê u ma, Ren-ta-pau v.v… Săn chim gù, chim xanh từ tháng tư đến tháng 6 mở cửa rừng. Săn bắn dơi thì lúc nào cũng được. Cứ đến chiều thứ bẩy là rủ nhau mang súng lên rừng, cách nhà khoảng 100 km. Chỉ cần mang mấy ổ bánh mì, hạt tiêu, muối, maggi là đủ. Đên cửa rừng ít nhất cũng có vài chú chim gụ to bự bị rụng. Đến nơi nghỉ, nướng chim và ngủ qua đêm trên rừng. Chỉ cần rải lá khô làm nệm ngáy đến sáng luôn. Mỗi người cũng hạ được ít nhất vài chục con. Cũng có hôm đi chẳng được con chim nào. May gặp con bò hoặc lợn rừng cũng xả luôn.

Đội săn bắn cá Thanh niên VN tại Port Vila Tân đảo

·         Săn bắn cá. Một môn thể thao được đông đảo anh chị em thanh niên VN ưa chuộng tại Port Vila những năm 1960. Dùng súng bắn cá có dây chun cao su cực mạnh. Anh Gilbert Thong đã bắn được cá vược mú nặng 165 kg tại Noumea. Đội của anh Sâm, Thơ, Bích đã bắn con cá đuối nặng trên 400 kg trong Vịnh Port Vila. Hội săn bắt cá của địa phương thường tổ chức những cuộc thi lớn.



Trần Văn Sâm tức Samuel (1940-1986)


·         Sâm (Trần Văn). Con của người phu mộ chân đăng thế hệ hai. Là một trong những thanh niên hâm mộ thể thao và là một vận động viên xuất sắc nhất tại đảo Efate. Một cầu thủ nổi tiếng. Thủ quân của đội tuyển thanh niên VN những năm 1960 tại Port Vila Tân đảo. Có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phong trào thể dục thể thao của người VN tại Tân đảo.


Sân vận đông của Thanh niên Việt nam tại Tagabe Tân đảo

·         Sân vận động Tagabê. Năm 1960, nhờ sự giúp đỡ của ông René Valette, Đoàn thanh niên VN đã xây dựng được sân vận động đầu tiên của người Việt tại Tagabe. Cùng trong năm đó, Phái viên Vũ Hoàng đã tham dự trận đấu khai trương sân vận động giữa đội bông đá Vila và Tagabe.


Lính Bảo an tại Port Vila Tân đảo (ảnh minh họa)

·         Setak. Tên của một đội trưởng lính Bảo an binh của Pháp tại trại lính Port Vila. Đã chỉ huy lính bảo an ngăn chặn đoàn biểu tình của công nhân phu mộ VN năm 1946 đồi tầu hồi hương tại cổng Tòa Chánh sứ Pháp. (TLĐSH)

·         SFNH (Societes francaises des Nouvelles Hebrides). Hiêp Hội cac Công ty của Phap tại Tân đảo. Là một tổ chức doanh nghiệp lớn nhất của chính quyền  Pháp,  thâu tóm phấn lớn đất đai canh tác ở Tân đảo. Trụ sở nằm tại Thủ phủ Port Vila, ngay bên cạnh Văn phòng quyền ủy Pháp (Delegation francaise).


Từ trái: các TG Phạm Tiến Siêng - Phạm Bình Kích - Nguyễn Quý Cường - Đinh văn Chúng - Trần văn Chiểu và Nguyễn văn Tới (Ánh chụp ở Santo Tân đảo do bạn Phạm Bình Hựu cung cấp)


·         Siêng (Phạm Tiến). Ông sinh năm 1913 tại Xã Đông mỹ Huyện Đông hưng Tỉnh Thái bình. Nguyên là công nhân phu mộ tại đảo Santo Tân đảo. Sau khi được tự do năm 1945, ông tham gia hoạt động trong Hội Việt nam Công nông đoàn Tân đảo. Trở thành một trong những giáo viên tích cực trong phong trào xoa bỏ nạn mù chữ và đào tạo nhiều học sinh ưu tú. Ông và gia đình đã hồi hương về Hải phòng năm 1964.

·         Simonsen. (Đồn điền). Một trong những đồn điền trồng dừa lớn nhất tại đảo Santo. Có rất nhiều công nhân phu mộ Việt nam làm việc tại đây.


Ông Trần văn Sinh - người ngồi ở giữa


·         Sinh (Trần Văn). Quê ông ở Nam định. Ông là một trong những người công nhân phu mộ hoạt động tích cức trong phong trào đấu tranh đòi quyền lợi và đòi tầu hồi hương năm 1946. Ông cũng là một trong những người có công trong việc bảo vệ trụ sở và lãnh tụ Việt nam Công đoàn lúc bấy giờ ở Port Vika Tân đảo. Ông cũng là một trong những cầu thủ xuất sắc của đội bóng đá trung niên Việt nam đầu tiên ở Tân đảo. Ông đã không may bị tai nạn và tử vong trong lúc làm việc kiểm hàng tại Tầu Tahitien, neo đậu trong Vịnh Vila.


Sò đá (natalaie)

·         Sò đá (Na-ta lai). Một loại sò khổng lồ. Tên khoa học là Tridacna gigas. Con lớn nhất người ta đo được có chiều dài tới 1,5 mét và nặng 250 kg. Thịt của nó ăn sống hoặc chế biến các món rất ngon. Được coi là món khoái khẩu của dân Philippines. Hiện nay người ta cấm bắt vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều nơi bắt đầu nuôi trồng theo công nghiệp.

·         Soạn (Trần Văn). Nguyên là công nhân phu mộ VN tại đảo Santo. Năm 1945, ông là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào đồi quyền tự do, đòi tầu hồi hương. Được bầu làm Phó Tổng thư kí Hội Việt Nam Công Nông Đoàn Tân đảo. Bị trục xuất về Hải phòng năm 1947 cùng với ông Đồng Sỹ Hứa trên chuyến tầu Ville d’Amiens. (TLĐSH)


Mộ cụ Cai Son tại Nghĩa trang người Việt nam ở Port Vila Tân đảo

·         Son (Nguyễn văn). Ông là một trong những người phu mộ chân đăng VN đến Tân đảo sớm nhất vào năm 1924. Ống sinh năm 1890 tại làng Hà nam Tổng Kiên trung Tỉnh Nam định nay là xóm Bo loan – Xã Hài thanh – Huyện Hải hậu – Tỉnh Nam định. Năm 1914 ông bị bắt vào lính khố xanh đi sang Pháp đánh Đức trong Thế chiến thứ nhất. Đồn trú tại Carcassonne. Sâu đình chiến ông được tang Huân chương kháng chiến của Pháp.
Năm 1924 ông đăng kí đi phu mộ sang Tân đảo. Làm công nhân khai phá đồn điền trông dừa tại sở Belloc. Vì không có tiền, ông buộc phải đăng kí tiếp hai khóa. Đến năm 1935 ông đưa gia đình ra thành phố Port Vila làm phụ bếp cho Chánh cẩm Rossi. Ông là một trong những người tích cực ủng hộ ông Đồng sỹ Hứa kéo cờ đỏ sao vàng tháng 6 năm 1946. Do bị bệnh nặng ông mất ngày 26/9/1946 tại nhà thương ăng-lê trên đảo Iririki và mai tang tại Nghĩa trang người VN tại Port Vila.


Quốc kì và bản đồ nước CH Solomon

·         Sô lô môn (Solomon Islands). Quần đảo Solomon nằm phía Bắc Vanuatu và phía Nam Papua New  Guinea. Gồm gần 1 ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Diện tích rộng hơn 27.000km2. Dân số khoảng 610.000 người. Thủ đô là Honiara nằm trong Tỉnh Guardalcanal. Tiền tệ : đồng đô la solomon.
Một đảo duy nhất trong vùng Nam Thái bình dương 100% dân số biết nhai trầu y như ở VN ngày xưa.


Văn Sợi - người ngồi thứ hai từ bên trái

·         Sợi (Nguyễn Văn). Nguyên là con cháu chân đăng VN thế hệ hai sinh trưởng tại Noumea. Năm 1960-1963 sang Tân đảo làm công nhân cho hãng Thầu xây dựng  Ardimani. Ông Sợi và ông Thùy Thủ môn và là hai cầu thủ bóng đá xuất sắc đã giúp Đội tuyển thanh niên VN USV đoạt Cúp luân lưu của Hiệp hội Bóng đá Tân đảo năm 1962. Ông đã kết hôn với cô con gái của ông Phạm văn Cận Stella Photo ở Port Vila. Sau chuyển về bên Noumea sinh sống.


Nam Sơn TRẦN 

·         Sơn (Trần Nam). Anh là con trai trưởng của ồng Trần đình Duyệt VK Santo và bà Nguyễn thị Thơm VK Noumea. Sinh ngày 3/12/1968 ở Việt nam. Định cư ở Vanuatu năm 1979. Sau chuyển về sinh sống và gia nhập quốc tịch Solomon. Khởi đầu sự nghiệp bằng nghề kế toán thương mại. Sau trở thành đại gia nổi tiếng làm chủ doanh nghiệp Casino lớn nhất ở Honiara thủ đô của Solomon. Trở thành doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng.
Sự nghiệp chính trị của anh bắt đầu khi được bầu vào quốc hội Solomon với danh nghĩa đại biểu khu vực phía Tây thủ đô Honiara hồi tháng 8 năm 2010. Sau đó trở thành ứng cử viên độc lập và được bầu lại vào quốc hôi trong cuộc tổng tuyển cử. Một tháng sau được bầu làm phó Chủ tịch quốc hội. Đến tháng 12 năm 2011 anh xin từ chức.
Hiện nay anh không giữ một chức vụ gì trong Chính phủ nhưng nắm giữ và điều hành nhiều lĩnh vực hoạt động dân sự và kinh tế trong quốc hội Solomon.
·         Namson Tran (born 3 December 1968[1] in Vietnam[2]) is a Solomon Islands businessman and politician. Born in Vietnam, Tran moved first to Vanuatu then to Solomon Islands, where he married a Solomon Islander and became a naturalised citizen.[3]He worked as an accountant before becoming "a high-profile businessman", the owner of Honiara Casino, the "biggest casino" in the Solomons.[4][5] His political career began when he was elected to the National Parliament as MP for West Honiara, a constituency in the capital city, Honiara, in the August 2010 general election.[6] He was elected as an independent, being a member of no political party.[7] The following month, he was elected Deputy Speaker of Parliament, as deputy to Speaker Sir Allan Kemakeza.[8] He resigned from the deputy speakership at the start of December 2011


Lính Tây áp giải tử tù vụ án Sơ va liê năm 1931

·         Sơ-va-liê  (Chevalier)  Vụ án Sơ-va-li-ê. Nói về vụ ám sát tên chủ đồn điền người Pháp khét tiếng tàn bạo đối với người phu mộ VN ở Malo đảo Santô. Xem « Vụ án Malo Pass » trên Blog Tân đảo xưa và Nay.


Đội bóng đá SUMAT chụp ảnh chung với cầu thủ USV. 
Đội trưởng SUMAT Maxime Carlot ngồi hàng đầu bên trái

·         Su mát (SUMAT). Đội bóng đá có tên tuổi do ông Maxime Carlot Korman làm đội trưởng trong những năm 1962. Vào chung kết Cúp bóng đá luân lưu của Hiệp Hội Bóng đá Tân đảo (Fooball Federation of New Hebrides) gặp đội Tuyển bóng đá Việt nam USV (Union Sportive Vietnamienne). Sumat đã thua với tỉ số 2-1.


Suối thác ở Mele Maat đảo Efate Vanuatu

·         Suối thác Cascade. Là một trong những suối có thác nước đẹp nhất của đảo Efate Vanuatu. Bắt nguồn từ trên đính núi của dốc Klem đổ xuống làng Mele Maat. Quanh năm nước trong xanh. Đổ xuống các bậc đá, tạo nên những thác nước tung bọt trắng xóa như sương mù rất đẹp.

·         Suối (Teuma). Một con suối bắt nguồn từ dấy núi Mac Donald ở trung tâm đảo Efate. Có chiều dài khoảng trên dưới 100 km. Chẩy ra cửa vịnh cùng tên Teuma. Trại Việt nam số 1 được xây dựng ngay cạnh suối cách cầu Teuma khoảng 50 mét. Hồi xưa suối này có rất hiều tôm tép và cá. Rau muống và cái xoong mọc như rừng hai bên bờ suối.




Suối Tagabe chẩy qua Trại VN số 2 Việt nam Công nông đoàn ở Port Vila Tân đảo

·         Suối (Tagabe). Bắt nguồn từ dẫy núi Mac Donald. Trại Việt nam số 2 Tagabe được xây dựng dọc theo bờ suối từ bên trên cầu Russet xuống tận khu vực Blacksand, chẩy ra vịnh Mele. Bà con sinh sống ở nơi đây rất thuận tiện dùng nước suối tắm rửa, tưới nước cho vườn rau cây quả và chăn nuôi.


·         Sỹ (Trần văn). Một người con của phu mộ chân đăng thế hệ hai tại đảo Santo. Du học tại Noumea Tân Thế giới. Học khoa cơ khí chế tạo. Thời trai trẻ ông là một trong những thanh niên có thân hình lực sĩ. Hồi hương về VN, gia đình ông ở Nam định. Ông là một trong những thợ có bàn tay vàng cấp quốc gia của VN. Sau nay ông trở lại định cư ở Tân Caledonie và trở thành một trong những người rất thành đạt hiện nay.



Vần S xin tạm dừng nơi đây và hẹn gặp quý  vị trong kì tới với vần T.




Xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã ghé thăm, góp ý và chia sẻ trên trang Blog Tân đảo  Xưa và Nay. Để biết rõ hơn về Tân đảo/Vanuatu, xin mời quý vị click vào link này :

Xin chúc mọi người vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.