Translate

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

B. DANH MỤC về người VN tại Tân đảo - Tân Thế giới



 DANH MỤC
(Répertoire)
Vê người Việt nam ở Tân đảo - Tân Thế giới
và những địa danh, cơ sở liên quan.


Chân dung người PHU MỘ Chân đăng ở Tân đảo

Biên soạn : Jean Van Son – Vanuatu

LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử của người phu mộ Bắc kỳ ở Tân đảo là một trong những trang sử hào hùng vẻ vang về cuộc sống tha phương của người lao động Việt nam ở Hải ngoại nói chung. Bởi vậy việc ghi chép lại tên tuổi và những địa danh, cơ sở liên quan trước và sau thời kì nô lệ của các bậc cha mẹ, chú bác tại nơi đất khách quê người là một việc làm cần thiết.
Kho tàng về các sự kiện lịch sử của người VN ở Tân đảo rất nhiều và phong phú. Đến nay, ngoài công trình của Cụ cố Đồng Sỹ Hứa qua cuốn « Từ Châu Đại dương về Việt nam » (De la Mélanésie au Viêt nam), còn có rất nhiều công trình nghiên cứu khác. Ở đây tác giả chỉ muốn nêu và hệ thống hoá những con người, những sự việc và sự kiện theo góc độ và cách nhìn nhận của chính bản thân mình dựa theo các tư liệu khác nhau cho dễ tìm, dễ đọc mà thôi.
Bản tập hợp Danh mục này có thể có những thiếu sót, nhầm lẫn nhất định. Bởi thế, tác giả mong muốn nhận được nhiều ý kiến phê bình, đóng góp của nhiều người, đặc biệt của số anh chị em Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới  thế hệ hai, ba đang sinh sống ở VN cũng như các nơi khác trên Thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn tất cả các chú bác, các anh chị em và bạn bè xa gần đã chú ý theo dõi.



Tài liệu tham khảo:

-       Tư liệu của cụ cố Đồng Sỹ Hứa.
-       Tư liệu trên trang Wikpedia về Tân đảo New Hebrides/Vanuatu.
-       Tư liệu của Virginia RIOU và Patrick O’REILLY.
-       Les Nouvelles Caledoniennes
Sắp xếp: theo thứ tự vần ABC.
Kí tự viết tắt: ĐSH = Đồng Sỹ Hứa. ĐT = Đội trưởng. HLV = Huấn luyện viên. TM = Thủ môn
TT = Từ trần. VNCNĐTĐ = Việt Nam Công Nông Đoàn Tân đảo.
LĐAHVN = Liên đoàn Ái hữu Việt nam. USV = Union Sportive Vietnamienne
N.H. = Nouvelles-Hébrides (Tân đảo cũ nay là Vanuatu)
N.C. = Nouvelle Calédonie (Tân thế giới cũ nay là Tân đảo mới)
 
B.

·        Ba má. Đa số người đi phu mộ sang Tân Thế giới Tân đảo đều xuất thân từ các vùng quê ở Nam định, Thái bình, Hải dương và các tỉnh khác. Quê hương của các danh từ như thầy u, thầy mẹ, bố mẹ, ba mẹ, thầy bu v.v... Nhưng sau này khi đã hòa nhập vào cuộc sống phu mộ thì đa số gia đình đã sử dụng danh từ “ba má” khi con cái gọi bố mẹ. Nguồn gốc của nó thì không rõ lắm. Có thể là đã bị tây hóa. Ví dụ: “ba” có xuất xứ từ chữ papa và “má” là maman (ma-măng) của Pháp chăng?

Tượng Đức Bà trong hang đá sau nhà thò Sacre Coeur ở Port Vila Vanuatu.

·        Bà (Đức Bà) Sainte Vierge Marie. Trong khuôn viên nhà thờ Sacre Cœur ở Port Vila Vanuatu vẫn tồn tại một tượng đài Đức Bà trong hang đá nhìn về phía Tây vụng Vịnh Vila. Hang đá này được xây xựng quãng năm 1922 nhằm tôn vinh công đức của Đức Mẹ Maria do các cha xứ dòng đạo Ma rít (Freres Maristes) thực hiện.

Bà sơ Adrien (Reverende Soeur Adrien) Hopital Port Vila New Hebrides

·        Bà sơ Adrien. Hầu như tất cả những bà mẹ Việt kiều sinh nở con cái ở Port Vila Tân đảo (Vanuatu) đều biết sơ Adrien. Vì sơ này là y tá kiêm hộ lý tại nhà thương Tây và Ta. Một người có tính nhân đạo sẵn sàng giúp đỡ người bệnh bất kể đêm ngày. Sơ Adrien đã giúp đỡ hàng trăm các bà mẹ Việt nam sinh đẻ an toàn. Sơ được mệnh danh là “pique fesses” vì sơ có tài tiêm mông không cảm thấy đau. Chả là hồi ây, bất cứ ai bị sốt rét đều được tiêm loại thuốc kí ninh (quinine) vào mông. Chỉ cần bà vỗ vào mông một cái là xong. Người bệnh không cảm thấy bị tiêm chích. Bà sinh tại Pháp vào năm 1890. Học trường dòng và môn học đỡ đẻ. Năm 1918 được biệt phái sang Tân đảo New Hebrides/ Vanuatu làm việc tại trường dòng Anabrou. Sau được điều về nhà thương Tây Port Vila. Do công lao cống hiến của Sơ vô cùng to lớn, chính phủ Pháp đã ban thưởng huân chương “Bắc đẩu Bội tinh”. Sau khi qua đời. Sơ được mai táng tại nghĩa trang Thánh địa Montmartre.




* Bà mụ hoặc bề bề (popinet hoặc petite cigale de mer). Một loại tôm sinh sống thành đàn ở vùng biển san hô. Cùng họ gần với loại tôm hùm, tôm he v.v... Bà mụ có mai cứng, thân hình dẹt. Chân ngắn và cũng không có còng như tôm hùm. Đặc biết, thịt của chúng mịn, dai và chắc rất thơm ngon. Ở châu Âu, giá một kilo bà mụ giao động từ 75 đến 100 EU. Ở Vanuatu giá khoảng 10 đến 15 US đô la.


Cá biển Vanuatu

·        Bá Nguyễn văn (ông Hà Bá). Không rõ quê quán của ông ở đâu. Có thể ông là người quê gốc ở Nam định vì hay lui tới trò chuyện với cụ Cai Son chăng. Ông có biệt danh là Hà Bá vì suốt ngày đêm ông tắm nắng đội mưa trên con thuyền độc mộc với mấy tay lưới trong vịnh Vila. Số cua cá ông bắt được không ai tính được. Chỉ biết rằng mỗi khi thuyền ông cập bến là đầy ắp cá. Ống độc thân cho đến ngày hồi hương về Hải phòng năm 1963.

Xóc đĩa được nhiều người tham gia trong ngày hội.

·        Bạc (đánh bạc).  Tệ nạn xã hôi  đã được bà con người phu mộ mặc dù nghèo túng vẫn tổ chức sát phạt nhau trong các đồn điền. Nghe kể lại là trước năm 1939. có người đã thắng đậm và mang tiền về quê tậu ruộng đất trở thành điền chủ. Sau những năm 1950, Hội VNCNĐ Tagabe cũng tổ chức đánh bạc tại các ngày Hội lớn, Lễ Tết. Nhiều người đã cháy túi, lâm cảnh bần cùng. Sau này, đến mãi năm 1958, nhờ có ông Nguyễn Xuân, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước VNDCCH ở thủ đô Djakarta Indonesia gửi thư khiển trách, tệ nạn này mới được chấm dứt. Nhưng một vài bà con vẫn tổ chức tại  nhà riêng ở khu máy Cà-phê Port Vila.


Đội trưởng Bảo an binh Pháp Badimoin chào Tổng thống Đờ Gôn
đến thăm Port Vila Tân đảo năm 1956

·        Ba-đi-moăng (Badimoin). Từ năm 1952, người ta thầy xuất hiện một tên hạ  sĩ quan cảnh sát Pháp da mầu gốc kanak từ Noumea tới làm việc tại sở cảnh sát Port Vila. To cao vạm vỡ. Vốn dĩ là một võ sĩ quyền anh đẳng cấp ở Noumea. Tuy vậy anh này rất tử tế nhã nhặn đối với người Việt nam.

Jean Bai Tranut (dấu X) dẫn đầu đoàn đại biểu VĐV Vanuatu tại Tiểu Thế vận Thái bình dương tổ chức ở Port Vila Vanuatu 2017.

·        Bái (Trần Hữu). Là một phu mộ VN làm viêc trong đồn điền Ohlen. Quê gốc của ông ở Liễu đề Nam định. Con trai ông tên Jean Bai Tranut  nguyên là một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng tại Port Vila trong thập kỉ 70. Sau này ông đã từng giữ chức phó chủ tịch Hiệp hội bóng đá Vanuatu trong nhiều năm. Đồng thời ông cũng là một trong những người VN nuôi trông nhiều thanh long nhất ở Vanuatu hiên nay. Trong Lễ khai mạc Tiểu Thế vận hôi Thái Bình dương 2017 tại Port Vila, ông đã vinh dự được cử dẫn đầu đoàn đại biểu vận động viên Vanuatu.



Biểu tình bãi khóa bãi thị của cộng động VN tại Port Vila Tân đảo

·        Bãi (Bãi khóa bãi thị). Sau chuyến tầu hồi hương đầu tiên vào ngày 25 tháng giêng năm 1947, chính phủ Pháp đã phớt lờ công cuộc hồi hương tiếp theo. Một cuộc tổng đình công lớn kéo dài 3 ngày do Hội Viêt Nam Công đoàn tổ chức nhằm mục đich đấu tranh tiếp tục đòi tầu hồi hương. Học sinh được lệnh không đến trường học. Những người bán hàng rau ngừng hoạt động. Xe tắc-xi từ chối không chở khách v.v… Nhờ sự đấu tranh kiên cường của cộng đồng người VN, đến tháng 8 năm 1947 nhà chức trách địa phương mới giải quyết chuyến tầu thứ hai chở 812 người (300 trẻ em) trên con tầu Ville d’Amiens về Hải phòng.


Hình ảnh một bãi rác - Ảnh minh hoạ.

·         Bãi rác của Mỹ. Nằm ở khu vực Tebakor. Năm 1943 khi quân đội Hoa kì đổ bộ vào đảo Efaté, đã chọn nơi bãi rác cũ của Thành phố làm nơi đổ rác của quân đội Mỹ. Tất cả các loại lương thực, thực phẩm đóng hộp gần hết hạn đều được quăng xuống đây. Gia đình bà cụ Cai Son thường xuyên đến bãi rác này để nhặt nhạnh những gì có thể ăn được về nuôi sống gia đình và chăn nuôi ngan gà ở Máy Cà-phê. Mãi sau này, khi quân đội Mỹ rút đi nơi khác, thi gia đình bà vẫn đi nhặt rác mãi tận năm 1950 mới thôi. Ath39


CFNH tức cửa hàng Ba-lăng tại Port Vila Tân đảo (ảnh chụp trước năm 1950)

·        Ba-lăng (Andre Ballande). Ông sinh ở Bordeaux Pháp. Dòng dõi của một thương gia lớn. Ông là một trong những người có công lớn trong việc khai thác phát triển và xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản, nông lâm nghiệp và thương mại tại Tân Caledonie và New Hebrides. Đặc biệt ông là chủ hãng tầu buôn lớn M.M. (Messageries Maritimes) có đặc quyền chuyên chở người và hàng hóa từ Nam Thài Bình dương đến Đông dương và Pháp. Hãng của ông đã bao thầu việc giao nhận và chuyên chở người lao động phu mộ Việt nam từ Hải phòng đến Caledonie và New Hebrides Tân đảo từ những năm 1920 đến 1940. Ông cũng là chủ của hãng buôn CFNH (Comptoirs Francais des Nouvelles Hebrides) sở hữu nhiều đất đai canh tác tại Tân đảo. Rất nhiều công nhân phu mộ VN đã làm việc cho hãng Ba-lăng.

Hồi xưa nơi đây la khu vực Xưởng và khu nhà ở Tập thể của
công nhân VN làm cho hãng Ba-lăng CFNH

·         Ba-lăng (Quartier Ballande ở Vila). Khu trại Ba-lăng tập trung khá đông người Việt nam. Nhân viên công chức làm cho hãng Ba-lăng có các ông Bùi Gia Dzự, Trần Văn Tich. Công nhân lái tầu lai dắt sà-lan có các ông Trần Văn Giáo, Ngô Văn Trữ, Phạm văn Ry. Thợ sửa chữa máy nổ có ông Nguyễn Văn Quý. Thợ mộc có ông Nguyễn Văn Giả v.v…
Xưởng sửa chữa máy nổ do ông Tóp-mỡ (Tolmé) và Ả-xền (Hassen) phụ trách…


Ảnh chụp trước cửa hàng ông Bangở Tagabe Tân đảo

    Bang (Nguyễn văn). Nguyên là công nhân phu mộ làm việc trong đồn điền Phùa (Frouin). Quê gốc ở Kiến an. Ông phụ trách một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay bên cạnh Hội quán Công đoàn ở Tagabe. Đồng thời cũng là một cửa hàng duy nhất tại khu vực này sau năm 1950 đến năm 1964. Ông là một trong những người Việt nam làm nghề buôn bán đầu tiên tại Tân đảo. Sau này ông đưa gia đình hồi hương về Hải phòng.


Nhân của trái Bàm bàm đã nướng chín bán ở chợ Vila

* Bàm bàm (quả Namambe). Một loại cây lớn mọc hoang ở Vanuatu. Thân cây rất lớn rất sai quả. Quả to có nhân dầy bên trong. Dân đia phương gọi là Namambe. Khi chín rụng người vứt cả quả vào đống lửa để nướng. Bóc vỏ cứng bên ngoài sẽ có một cái nhân rất to và dầy bên trong. Ăn bùi như lạc nhưng cứng và dẻo hơn. Ít chất béo hơn lạc. Hồi xưa, các cụ phu mộ cũng đã từng ăn loại quả này cũng như quả bánh mì (mít đen) để thêm khẩu phần ăn hàng ngày cho đỡ đói.

Nhân hạt quả bàng bán ở chợ

* Bàng (hạt quả bàng) Natapoa. Cây bàng là một loại cây lâu năm thân gỗ lớn. Thường sống thọ hàng trăm năm tuổi. Mọc hoang dã ở vùng đất ven biển. Hạt bàng là một loại hạt chứa tinh dầu rất tốt cho bộ phận tiêu hóa. Đặc biệt không gây phản ứng phụ như các loại hat khác như : Lạc, vừng v.v…
Vì nó là loại hạt có vỏ bọc cứng nên được coi là loại hạt sinh thái sạch nhất trong các loại hạt nhân. Phải có kĩ thuật khá điêu luyện mới tách được vỏ bọc cứng và bảo toàn hạt còn nguyên vẹn không bị sứt vỡ.



Nhà Băng Đông dương cũ - Banque de l'Indochine - đường lên gốc vối ở Vila

·         Băng Đông dương (Banque de l’Indochine): Thành phố Port Vila trước năm 1960 chỉ có một Ngân hàng duy nhất quản lí kinh doanh tiền tệ. Ngoài ra còn có thể chuyển tiền qua Bưu điện hoặc Kho bạc (Trésor) của ông Noellat. Theo nguồn tin lịch sử thì Nhà băng này được xây dựng từ năm 1922.




·         Bằng (Trần Văn). Quê ở Lý nhân Hà nam Phủ lý. Công nhân sửa chữa máy nổ, thợ hàn, thợ sơn, thợ gò, mộc v.v… Làm máy trưởng tầu Con-cóc (Concorde) do thuyền trưởng Narcisse Cugola chỉ huy. Đã từng chở các ông Đồng Sỹ Hưa và Ngô Vĩnh Lạc cũng như các công chức trong chính quyền địa phương sang đảo Ma-la-cu-là và các đảo khác công tác. Tầu Con-cóc đã cập bến hầu hết các đảo từ Bắc xuống Nam ở Tân đảo. Nó làm con thoi đưa hàng hoá và tin tức giữa các đảo.  Ông đã đưa gia đình về Việt nam và đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Tuyên quang.



·        Băng-kít (Banks). Một nhóm đảo vùng cực bắc Vanuatu gồm 15 hòn đảo (Kể cả nhóm Torres) thuộc tỉnh Torba (Torres và Banks). Nổi tiếng là nơi tập trung nhiều cua dừa nhất ở Vanuatu. Phong cảnh thiên nhiên hoang dã dạng nguyên thủy tuyệt đẹp. Dấn số khoảng trên dưới 10 ngàn. Sử dụng tới 15 thỏ ngữ khác nhau.


Đại gia đình cụ Tiểu tức Hoàng Thân tại Tagabe Tân đảo

·        Bánh mì (Pain mie). Lò bánh mì đầu tiên của người phu mộ VN do cụ Tiểu tức cụ  Hoàng Văn Thân xây dựng và sản xuất cung ứng cho người VN sinh sống trong trang trại Tagabe. Đồng thời cung cấp cho các vùng lân cận như Lạc-sần (Blacksand), Mê –lê (Mele) v.v… Thời đó, bánh mì của cụ Tiểu ngon nổi tiếng khắp nơi.

Phở bò Tân đảo (Vanuatu) làm từ bánh phở bột mì.

·        Bánh phở (nouilles). Thời kì chiến tranh thế giới thứ hai. Từ năm 1940 đến 1946, tầu bè ít qua lại trên vùng biển Thái bình dương được. Do đó việc vận chuyển lương thực từ đông dương cung câp cho Tân đảo gặp nhiều khó khăn. Nhà chức trách địa phương đã buộc phải cung cấp gạo theo tiêu chuẩn khẩu phần bằng  tem phiếu. Cũng may mà đến năm 1942, quân đội Hoa kì đổ bộ vào Tân đảo. Người Việt đã lợi dụng bột mì dư thừa của họ để sản xuất loại bánh phở phơi khô làm lương thực chống đói. Một món ăn mà nhà nào cũng có thể làm được dễ dàng. Và cũng từ đó món phở Việt Nam đã trở thành nổi tiếng nhờ bột mì của quân đội Hoa kì.

Công nhân phu mộ làm việc trong đồn điền dừa ở Tân đảo

·        Bào (Nguyễn văn). Tên một cu-li phu mộ Bắc kì làm việc cho ông chủ Wright từ năm 1923 tại đồn điền Surrenda đảo Santo. Đến cuối năm 1924, ông này bị tên cai da đen tên Bagio đá gẫy hai xương đùi phải đi sang Noumea để chữa vết thương. Sau đó ông được chủ cho hồi hương với khoản tiên đền bù là 2.640 franc. Vì với thương tật như thế thì ông không thể tiếp tục làm việc bình thường được nữa. Ông chủ Wright đã xử lí đẹp trên cả luật định. Vì điều khoản quy định cho việc thanh toán tiền thâm niên sau 5 năm làm việc cho một cu-li hồi hương là 1.800 franc. Còn tên cai đen Bagio thì bị đưa ra tòa án. (Báo Annales Coloniales)


·         Bảo an binh (Milice francaise). Doc ong co. Thời kì Tân đảo còn là thuộc địa của Anh và Pháp. Mỗi chính quyền có một trại lính Bảo an khoàng trên dưới 50 lính người địa phương, dưới sự chỉ huy của người Anh hoặc Pháp. Nhiêm vụ của họ chủ yếu là để giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực. (tc36) (tc54)


   Máy bơm nước thế kỉ 19 tại đồn điền Bê-lốc (Ảnh của chị Ernestine Laurent)

·        Bê-lốc (đồn điền Belloc). Một đồn điền trồng dừa nằm ở phía Tây đảo Efate. Giáp ranh với đồn điền Ô-lền (Ohlen). Một đồn điền có diện tích trung bình dọc theo bờ biển vịnh Lelepa. Gia đình cụ Cai Son, cụ Bút, cụ Quán, bà Sinh gù và một số bà con quê gốc Nam định đã được phân về làm việc tại đồn điền này. Thời kì đó việc đi lại giữa các đồn điền hoàn toàn phải đi bộ hoặc xe ngựa, xe bò kéo. Đường sá gồ ghề khó đi. Quãng đường từ Bê-lốc ra tỉnh mất khoảng 20 cây số đường rừng. Hiện nay hậu duệ gia đình Bê-lốc toàn con cháu bên ngoại lấy tên là Lô-răng (Laurent).

Collines de Bellevue (Plantations Des Granges)
Đồn điên dừa Đờ-găng


·        Ben-vuy (Collines de Bellevue). Dịch theo tiếng Việt là đồi Ngoạn mục. Nằm trên khu đất Đề-găng (Des Granges). Đứng trên đồi này ta có thể chiêm ngưỡng cà một vùng trời rộng lớn gồm cả một mầu xanh của nước biển hồ La-gồng 2 và biển hồ 1 (Le 1er et 2eme Lagon) thong ra đại dương mênh mông. Bao bọc chung quanh bằng các khu rừng dừa bát ngát mầu xanh lá cây. Sáng sớm, chiều hôm mầu khói xanh lam tỏa khắp. Sơn thủy thật hữu tình và thơ mộng.

 
Tầu Pierre Loti (Các cụ đọc là Bê rô ti)

·        Bê rô ti (Pierre Loti). Người phu mộ VN gọi tên con tầu chở hàng và hành khách chạy trên tuyến đường Đông dương đến Nam Thái Bình dương. Thay thế cho con tầu La Perouse (La Bê-rui) từ năm 1936 đến năm 1940. Qua các cảng Sydney Úc, Noumea New Caledonia và Port Vila New Hebrides. Tầu này chuyên chở than, gạo và người phu mộ đi từ VN qua  Noumea và Port Vila và ngược lại.
·        Bê-rui (La Perouse).  Người phu mộ VN gọi tên tầu “La Perouse” thành “La Bê-rui”. Cùng một thế hệ với tầu Bê rô ti (Pierre Loti). Tên của một con tầu chở hàng chạy tuyến Đông dương – Nam Thái bình dương. Người công nhân phu mộ Bắc kì là hành khách của con tầu này từ Hải phong đến Tân Thế giới (New Caledonia) và Tân đảo (New Hebrides) và ngược lại trong những năm 1920 đến 1935. Đặc biệt, con tầu này đã chuyên chở cỗ máy chém và 6 tử tù Việt nam từ Noumea về Port Vila ngày 27/8/1931.

Từ trên đính dốc KLEM nhìn xuống Vịnh Mê lê
 
·         Bê-ta Klêm (còn gọi là dốc Vanh xanh). Đường dôc dựng đứng cao và dài nhất ở đảo Vatê EFATE. Do Quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1943. Lúc đầu bằng đá. Mãi đến năm 2012 mới làm bằng bê-tông cùng với đường vòng quanh đảo Ring Road do Mỹ tài trợ.  Đứng ở lưng chừng dốc có thể nhìn thấy Thành phố Port Vila cách khoảng trên 10 km chim bay. Đã có nhiều xe lao dốc, mất phanh bay xuống vực sâu. Cal 25

 


Đài Bia tưởng niệm Thế chiến 1 và 2 tại Port Vila
́
·         Bia mộ Tưởng niệm (Monument aux Morts). Được xây dựng sau Thế chiến thứ nhất 1914-1918 tại khu đồi cao trước cổng Toà án cũ, trông ra Vịnh Vila. Ngay bên cạnh Toà sứ Pháp – Résidence de France. Nhằm tưởng niệm, vinh danh những người con cuả Tân đảo đã hy sinh trong Thế chiến 1 và Thế chiến 2 tại Thái Bình dương. Hàng năm đến ngày 11 tháng 11 – Hiệp định Đình chiến, nhà Chức trách Pháp và Anh tổ chức Lễ Tưởng niệm tại đây. Sau khi Vanuatu độc lập, ĐSQ Anh và Pháp vẫn giữ tục lệ đó cho đến nay. Hàng năm, thêm vào đó là ngày ANZAC Day vào 25 tháng tư, do Úc và New Zealand tổ chức.



Hình ảnh xưa về thổ dân ăn thịt người  - ảnh minh hoạ internet.

·         Bích Nam-bạt (Big Nambas): Thổ dân vùng Đông Bắc đảo Ma-la-ku-la. Nổi tiếng về chuyện ăn thịt người. Cho đến tận ngày nay, bộ tộc này vẫn sinh sống theo tập tục cổ xưa. Họ dùng cung tên để săn bắn thú rừng, săn bắt cá ở suối hay ngoài biển. Không mặc quần áo âu, họ cởi trần. Đàn ông dùng loại vỏ cây để che “hạ bộ”. Đàn bà tết sợi cây bu-rao làm quầy để che thân dưới. Họ sinh sống ở vùng đồi cao phía Tây bắc của đảo. Tự tạo lấy lửa, không dùng diêm.(vil6-ănthịtngưòi)


2012. Mr Trần Bích Ngọc  thăm Vanuatu

·         Bích (Trần Ngọc):  Sinh ở đảo Santo Tânđảo (New Hebrides/Vanuatu). Ông đã du học tại Tân Caledonie và tốt nghiệp hạng ưu trường Trung học Kỹ thuật Noumea. Hồi hương về VN, ông công tác ở Tỉnh Ủy Hải dương. Hiên ông là Chủ tịch Hội Việt kiều Tân đảo  - Tân Thế giới Hải dương đồng thời la Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp Tỉnh Hải dương. Năm 2012, Ông đã cùng với đoàn 81 người nguyên Việt kiều trở về thăm lại Tân Caledonie và Vanuatu (Tân đảo cũ).

Biển san hô

·        Biển san hô (Mer de corail).  Quốc đảo Vanuatu nằm trong vùng biển san hô rộng lớn thuộc Tây  nam Thái Bình dương. Khởi đầu từ Australia đến tận Papua New Guinea. Qua các nước như Caledonia, Vanuatu, Salomon và một số đảo khác. Do diện tích rộng lớn và tính đặc thù  của nó nên người ta mệnh danh là vành đai san hô. Vành đai san hô lớn nhất thế giới này là nơi hội tụ của tất cả các loại thủy hải sản quý hiếm. Việc bảo vệ môi trường vành đai san hô đặt dưới quyến quản lý giám sát của nước Úc theo công ước Canberra.


Đội Bóng đá Bình Minh TP Port Vila

·         Bình Minh. 1960-1963. Đội bóng đá Nam Thành phố Vila. Gồm có: Vinh Từ (ĐT) – Hiển Từ – Khanh Thông – Thuỳ NC (TM) – Sợi NC – Tân Ất - Cường Mêlê - Bùi Thành - Uyên Các - Lộc Thùy ...

Thủ tướng Ham LINI đón tiếp Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình và phu nhân

·         Bình (Nguyễn Phú) . Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN sang thăm chính thức Vanuatu năm 2007. Cùng đi có Phu nhân và 10 thành viên trong đoàn. Lần đầu tiên một phái đoàn cao cấp Bộ Ngoại giao VN thăm chính thức Vanuatu.

Robert Trần Văn Bình tiếp đoàn Bộ Ngoại giao VN (Người ngồi đầu bàn bên phải)

·         Bình (Trần Văn): Một chuyên viên đồ họa kiến trúc Việt nam sinh tại Port Vila Tân đảo. Con trai thứ ông Trần Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Rậu. Đã từng vẽ nhiều bản thiết kê xây dựng nhà cửa từ bình thường đến các siêu thị lớn tại Thủ đô Port Vila Vanuatu. Đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Ái hữu VN tại Vanuatu năm 2005-2008. Cũng đã từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội bóng Pê-tăng ̣(Pétanque) cuả Vanuatu.

·         Bỉnh (Thầy giáo) Nguyễn Hữu Bỉnh. Thầy giáo dậy tiếng Việt nam tại trường VNCNĐ ở Port Vila. Ông là một trong những người  có công lớn trong công cuộc tổ chức Bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ năm1946.  Đã bị chính quyền Pháp trục xuất về Hải phòng trên chuyến tầu Ville d’Amiens cùng với ông Đồng Sỹ Hứa. Có tin ông và một số người đã bị bắn chết tại Kiến an trên đường trốn ra vùng tự do.




Hồi xưa ngôi nhà này chính là Cửa hàng Bi-pi chuyên bán hàng Anh và Úc.

·         Bi-pi (BP = Burns Philp). Một hãng buôn của người Anh ra đời từ trước những năm 1920. Nằm ở khu vực giap ranh với xưởng Ba-lăng Đi-đốc. Nay là General Store giáp Chợ Trung tâm thành phố Vila. 
          
·         Bít-la-mà (Bislama). Tiếng đen phổ thông ở Tân đảo/Vanuatu. Là một thứ tiếng Anh bồi còn gọi là English Pidgin, trong đó có tới trên 90% gốc tiếng Anh còn lại là tiếng Pháp, tiếng Bồ đào nha. Một số nước trong vùng Nam Thái bình dương đều dùng thứ tiếng này như Fdji, Solomon, Papua Niu Guini, Vanuatu, Cooks v.v… Riêng Vanuatu dùng 3 ngôn ngữ chính thức: Anh – Pháp và Bislama. Đặc biệt trong từ điển Bislama không có chứ cái C mà dùng chữ K thay thế. Chữ S thay cho chữ X. Chữ Z không có.

1928. Thợ bổ nạo dừa người Bắc kì ở Tân đảo (Tây gọi là decortiqueurs tonkinois)

·         Bổ dừa (decortiqueurs de coprah). Người công nhân phu mộ làm việc bổ dừa và nạo cùi dừa trong các đồn điền ở Tân đảo thời nô lệ, Tây gọi là thợ nạo dừa « decortiqueurs de coprah ». Thực ra công việc chia thành nhiều công đoạn : dùng móc để hái dừa già (vì chờ nó rụng thì lâu quá). Thu gom chất  thành  đống. Công đoạn bổ quả dừa bắng búa rìu cực sắc. Đến công đoạn nậy cùi dừa và đóng bao. Loại bao 3 sọc xanh chứa khoảng một tạ. Mức khoán ban đầu là 150 kí. Sau chủ nâng lên 180 rồi 200 kí. Phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến chiều tối mới xong công việc. Không đủ khoán sẽ phải làm bù hoặc bị cắt giảm lương.
·        Bổ dừa phát cỏ. Đó là công việc nặng nhọc hàng ngày mà người công nhân phu mộ làm trong đồn điên dừa ở Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Buổi ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên người nào làm phần việc của người nấy. Vừa tốn công sức mà năng suất lại rất thấp. Làm cật lực đến tối mịt cũng chưa đủ mức khoán. Sau này người ta đã nghĩ ra cách làm ăn tập thể. Chia ra tứng nhóm từ ba đến năm người. Tùy theo từng đồn điền lớn hay nhỏ. Công nhân nhiều hay it. Tức là cùng nhau thu gom dừa. Cùng nhau bổ dừa và cùng nhau nạo cùi dừa. Cũng mức khoán 180 kg, trước đây mỗi người phải làm đến tối mịt mới đủ. Làm ăn kiểu tập thể, chỉ đến 3 hoặc 4 giờ chiều là xong. Nhưng cũng chính vì năng suất tăng nên chủ đã tăng mức khoán lên 200 kg. Rồi lên tới 250 kg. Ông chủ không ngớt lời khen. Công nhân còng lưng mà làm cho đủ khoán. Thật là lợi bất cập hại.
          
Đồn điền Bladinières thời kì quân đội Hoa kỳ xây dựng sân bay dã chiến.

·         Bờ-la-đi-nhe (Bladinieres) (Đồn điền). Một đồn điền trồng dừa rộng lớn thuộc dòng họ Bờ-la-đi-nhe có nhiều người phu mộ VN làm việc tại đây.. Nắm phía bên trái quốc lộ chính đi vào Mê-lê, giáp ranh với Tagabê và đồn điền họ Phùa (Frouin). Năm 1943, quân đội Huê kì đã xây dựng sân bay ngay tại đồn điền này có tên là Bauerfield. Hội múa rồng Khánh hội Long vân cũng được xây dưng trong đồn điền này. 



Công nhân phu mộ VN khai phá một khu rừng Bu-rao - ảnh internet

Hoa của cây Bu-rao

·         Bu-rao (Bouraos). Một loài cây có tên là dâm bụt miền biển (beach hibiscus) hoặc cây bông sợi vì sợi của nó rất dai và dài, dùng làm dây thừng rất chắc. Tên khoa học là Hibiscus tiliaceus. Thổ dân thường dùng sợi này để kết loại váy dùng trong vũ hội. Anh chị em sinh ở Tân đảo thường được gọi là dân bu-rao. Có nhiều cách giải thích. Cây bu-rao mọc quá nhanh. Chỉ mấy tháng là có thể phủ kín một vùng rộng lớn. Do đó người ta ví với tốc độ sinh đẻ của các bà mẹ Việt nam ở đây quá mắn, thông thường là năm một. Một gia đình có trên dưới mười người con là chuyện bình thường.


Bia mộ 6 người phu mộ bị án tử hình tại Nghia trang Port Vila.

·         Buộc (Bùi Văn). Một trong những người phu mộ VN tới Santô năm 1928. Bị kết án tử hình ngày 28/07/1931 tại Port Vila vì liên quan đến vụ hạ sát tên chủ Chevalier ở Malô Pass Santô năm 1929. (Bài báo của ông Phùa tức LG FROUIN. Đã trích dịch và đăng tải trên Blog Tân đảo Xưa và Nay).

  

Tầu chở hàng Bucepale và mũi tầu sau khi mắc cạn ở Rentapau Efaté .

·         Bu-xê-phan (Tầu Bucephale). Hạ thủy năm1925 tại Hoboken Bỉ, theo đơn đặt hàng cuả hãng Vận tải thủy Nam Thaí Bình dương /Ballande/. Hãng CFNH Tân đảo mua lại . Sau đó MM thuê bao và mua đứt năm 1931 dùng vào việc chuyên chở người và hàng hoá cho khu vực Tân đảo. Người phu mộ VN chuyển từ Port Vila đi các đảo đều qua phương tiện này.
Ngày 14/06/1937, con tầu đã bị vỡ vì sóng lớn xô vào bờ đá tại khu vực Rentapau trong Vịnh Teuma. 

·         Bút (Nguyễn Thị). Sau khi hết hạn hợp đồng với chủ, Bà Bút đã làm vợ ông LOPO – thương gia Hoa kiều. Bà là một trong những nhà tài trợ chính trong việc xây dựng công trình Lễ đài tưởng niệm tại Nghĩa trang người VN tại Port Vila Tân đảo cũng như một số mộ phần khác trong Nghĩa trang người Việt.



Tác giả Blog xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả và bạn bè xa gần đã ghé thăm và chia sẻ. Xin mời quý vị đón đọc tiếp phần 3 tức vần C trong bài tiếp theo cuả Bản DANH MỤC này.

Xin mời quý vị bấm vào link này để xem 2 ngàn ảnh về Vanuatu cuả JVJ:
http://www.panoramio.com/user/5191672.

Xin đa tạ và chúc quý vị luôn vui khoẻ, hạnh phúc.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét