Translate

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

E - F - G - H . DANH MỤC (Repertoire) về người VN ở Tân đảo - Tân Thế giới



DANH MỤC
(Répertoire)
Vê người Việt nam ở Tân đảo - Tân Thế giới
và những địa danh, cơ sở liên quan.


Biên soạn : Jean Van Son – Vanuatu


Chân dung người Phu mộ Việt nam ở Tân đảo 1938-1940


LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử của người phu mộ Bắc kỳ ở Tân đảo là một trong những trang sử hào hùng vẻ vang về cuộc sống tha phương của người lao động Việt nam ở Hải ngoại nói chung. Bởi vậy việc ghi chép lại tên tuổi và những địa danh, cơ sở liên quan trước và sau thời kì nô lệ của các bậc cha mẹ, chú bác tại nơi đất khách quê người là một việc làm cần thiết.

Kho tàng về các sự kiện lịch sử của người VN ở Tân đảo rất nhiều và phong phú. Đến nay, ngoài công trình của Cụ cố Đồng Sỹ Hứa qua cuốn « Từ Châu Đại dương về Việt nam » (De la Mélanésie au Viêt nam), còn có rất nhiều công trình nghiên cứu khác. Ở đây tác giả chỉ muốn nêu và hệ thống hoá những con người, những sự việc và sự kiện theo góc độ và cách nhìn nhận của chính bản thân mình dựa theo các tư liệu khác nhau cho dễ tìm, dễ đọc mà thôi.

Bản tập hợp Danh mục này có thể có những thiếu sót, nhầm lẫn nhất định. Bởi thế, tác giả mong muốn nhận được nhiều ý kiến phê bình, đóng góp của nhiều người, đặc biệt của số anh chị em Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới  thế hệ hai, ba đang sinh sống ở VN cũng như các nơi khác trên Thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn tất cả các chú bác, các anh chị em và bạn bè xa gần đã chú ý theo dõi.



Tài liệu tham khảo:
-       Tư liệu của cụ cố Đồng Sỹ Hứa.
-       Tư liệu trên trang Wikpedia về Tân đảo New Hebrides/Vanuatu.
-       Tư liệu của Virginia RIOU và Patrick O’REILLY.
-       Les Nouvelles Caledoniennes
-       Blog Café, The, La Soupe cuả BUI Hiệp
-       Blog Tiebaghi A.1719 cuả BUI Hiệp.
Sắp xếp: theo thứ tự vần ABC.
Kí tự viết tắt: ĐSH = Đồng Sỹ Hứa. ĐT = Đội trưởng. HLV = Huấn luyện viên. TM = Thủ môn
TT = Từ trần. VNCNĐTĐ = Việt Nam Công Nông Đoàn Tân đảo.
LĐAHVN = Liên đoàn Ái hữu Việt nam. USV = Union Sportive Vietnamienne
N.H. = Nouvelles-Hébrides (Tân đảo cũ nay là Vanuatu)
N.C. = Nouvelle Calédonie (Tân thế giới cũ nay là Tân đảo mới)

Vần E.

·         Ê-pha-tê (Đảo EFATE). Còn có tên là đảo VATE. Là hòn đảo lớn thứ ba sau Santo và Malakula. Thủ đô Port Vila là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, hành chính của đất nước Vanuatu. Trước thế kỉ 19, nhà hàng hải Louis de Bougainville phát hiện ra đảo này và đặt tên là Franceville. Dưới thời Condominium đổi tên là Vate. Đến năm 1980, Vanuatu độc lập đổi tên đảo là Efate.

Bản đồ đảo Ê-pha-tê VANUATU (Đảo EFATE)

Phần đất bằng phẳng phì nhiêu nằm rải rác chung quanh đảo. Giữa đảo là núi đá vôi và đồi cao.
Nhiều biến cố lịch sử đã xẩy ra trên đảo này :
Năm 1900. Tù chính trị VN đầu tiên được di chuyển từ Nhà tù Camp Est Noumea về Port Vila.
Năm 1920 : Đè-bô trung tâm (dépôt central) Port Vila được xây dựng để đón nhận người phu mộ VN từ Hải phòng đến và đi.
Năm 1923 : Những người phu mộ VN đầu tiên chính thức có hợp đồng lao động đã đến tập trung tại Khu tập trung gọi là Đề bô tại Port Vila.
Năm 1931: Ngày 28/7 Chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc hành hình bằng máy chém 6 tử tù Việt nam di án từ Noumea về Port Via.
Năm 1939. Chuyến tầu cuối cùng chở người phu mộ VN đến Tân đảo.



Năm 1943. Quân đội Hoa kì đã đổ bộ lên bãi biển Mê-lê, Vịnh Havannah. Xây dựng sân bay dã chiến ở Si-vi-ri, Sở Bladinieres. Xây dựng quân cảng ở Port Havannah. Đóng quân ở các đồn điền Bladinieres, Colardeau, Des Granges, Malassa, Máy Cà-phê v.v…

Con cháu của người Phu mộ tiếp bước Cha chú

Năm 1943. Hội múa rồng đầu tiên của người phu mộ VN có tên "Khánh hội Long vân" ra đời tại đồn điền Bladinieres.
Năm 1945. Hội Liên đoàn Ái hữu Việt nam ra đời do ông Đăng Long Hưởng lãnh đạo.


Hội Liên đoàn Ái hữu VN đầu tiên tại Tân dảo
 do ông Đặng Long Hưởng lãnh đạo

Năm 1946. Liên đoàn Ái hữu VN tổ chức kéo cờ đỏ Sao vàng ngay tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo. Sau đó chia thành hai Hội : Việt nam Công đoàn và Cộng hòa (Liên Việt). Nhiều cuộc đình công lớn đã xẩy ra tại đây.


Tầu Vình đa miêng  (Ville d'Amiens)

Năm 1947. Chuyên tầu Ville d’Amiens đầu tiên chở 564 người phu mộ VN về Hải phòng. Chuyến thứ hai ch814 người về Hải phòng, Trong đó có gia đình ông Đồng Sỹ Hứa và toàn thể ban lãnh đạo của Việt nam Công đoàn bị nhà cầm quyền địa phương trục xuất về Hải phòng.



Năm 1954. Linh mục Nguyễn Năng Vịnh chỉ đạo việc xây dưng Giáo xứ Thiên môn (Porte du Ciel).
Năm 1959. Công ty Phốt phát CFPO của Pháp bắt đàu thăm dò khai thác mỏ mang-gan tại khu vực Forari, phía đông bắc của đảo. Nhiều người VN làm việc tại đây.


Cổng chào đón PV VŨ Hoàng tại Tagabe


Năm 1960. Đại hội Thể dục Thể thao của thanh niên VN được tổ chức tại sân vận đông Tagabe. Có ông Vũ Hoàng Phái viên Bộ ngoại giao VNDCCH tham dự.


 Đội tuyển bóng đá TNVN (USV)

Năm 1962. Đội tuyển bóng đá Thanh niên VN (USV) đoạt chức vô địch và Cúp luân lưu của Hiệp hội Bóng đá Tân đảo.



Năm 1963. Bà con Việt kiều Port Vila Hồi hương về Hải phòng trên con tầu Eastern Queen chuyến 4.

Đảo Ê-pi

·         Ê-pi (Đảo Epi). Một hòn đảo nhỏ phía Bắc Tân đảo. Ông Lăng-xông chủ đồn điền ở đảo này là người đầu tiên trực tiếp về Hải phòng tuyển mộ người lao động VN đi phu làm đồn điên tại đây.


Đảo Ê-ra-ko

·         Ê-ra-ko. Nguyên thủy là tên một hòn đảo nhỏ ở phía đông nam Efate. Dân số tại đảo đông dần lên và di chuyên vào đất liền, lập thành làng Ê-ra-ko. Nguyên Thủ tướng nhiều nhiệm kì của Vanuatu Maxime Carlot Korman cũng là người dân gốc tại làng này. Còn có đội bóng đá mạnh là Golden Star. Làng này cách Port Vila khoảng 4 km. Hồi xưa người Việt nam thường vào bãi biển gần làng này để vợt tép và băt sò, bắt cua, đánh cá.




Bãi tăm gần Ê-tôn

·         Ê-tôn (Bãi tắm Eton). Một trong hững bãi tắm đẹp nhất của đảo Efate. Nằm ở phia đông bắc gần giáp với khu mỏ Forari. Cách Vila trên 60  km. Trước khi hồi hương, nhiều bà con VK thường tổ chức dã ngoại (pick nick) tại đây.


 Vần F.


·         FO-RA-RI (Khu mỏ). Tài nguyên thiên nhiên nghèo. Duy nhát có mỏ mang-gan (Manganese) ở khu vực Fô-ra-ri với trữ lượng thấp. Năm 1960, Công ty C.F.P.O đã bắt đầu khai thác cho đến năm 1979 thì đóng cửa. Rất nhiều người Việt nam, đa số là anh em thanh niên làm việc tại đây. Một đội bóng đá của thanh niên VN đã ra đời tại mỏ có tên là “Chiến thắng” do anh Nguyễn văn Long làm đội trưởng. Forari ở phía Đông nam, cách Port Vila khoảng gần 70 km. Có cảng nước sâu, tầu chở hàng loại lớn có thể áp mạn. Mang-gan chủ yếu được xuất đi Nhật. Đến nay di tích khu mỏ này vẫn còn tôn tại.


Nồi nấu cơm và thức ăn khủng 80cm x 60am ngày xưa dùng trong đồn điền Phùa





·         Frouin (Sở Phùa). Đồn điền dừa của gia đình họ Phùa (Frouin) trải dài từ đầu khúc quẹo đi vào Đờ-ga-dăng (De Gaillande) có con suối Tagabê châỷ qua. Kéo dài dọc ven biển từ Lạc-sàn (Blacksand) tới tận làng đen Mê-lê. Còn có thêm con suối La Cồn (La Colle) chẩy qua Sở Phùa ra vịnh Mê-lê. Trong đồn điền này có khoảng trên 50 phu mộ Việt nam thường xuyên làm việc tại đây. Dấu vết còn lại của thời kì đó là hai cái nồi gang cực lớn dùng nấu cơm cho người làm, hiện còn lưu giữ trong vườn nhà gia đình họ Phùa ở Tagabe.
Gia đình ông LG FROUIN đã cưu mang, cấp đất cho hàng ngàn người phu mộ VN định canh định cư, làm ăn sinh sông tại Trại Tagabe từ năm 1946 đến khi hồi hương năm 1964. Bản thân ông LG Frouin là Luật sư, là điền chủ có tâm huyết với người lao động.

Vần G.

Một loại tầu gỗ trọng tải từ 100 đến 150 tấn (minh họa)

·         Ga-ri-đô (Xưởng đóng tầu Garrido). Ở Tân đảo trước năm 1960 chỉ có một xưởng đóng tầu gỗ thuộc gia đình Ga-ri-đô ở Máy Cà-phê (Millcoffee). Xưởng nằm ngay bờ biển, tiện cho việc hạ thủy các con tầu đóng mới hoặc đưa tầu hỏng vào đà để sửa chữa lợi dụng nước thủy triều.
Xưởng đóng tầu có hai người thợ mộc VN là ông Phó Ngoạn thợ cả và ông Phiến làm thợ phụ.
Các con tầu được sản xuất tại xưởng này có:
* Tầu Saint Joseph – Tầu Franceville v.v… đều có sức tải trên 100 tấn.

Một bà gánh rau (minh họa)

·         Gánh rau. Trước năm 1950. Các bà bán rau xanh người VN thường phải gánh bộ từ Trại Tagabe ra thành phố trên quãng đường dài trên dưới 5 km. Trên vai kĩu kịt  chiếc đòn gánh bằng tre với hai sọt rau nặng trĩu, trên dưới 5 chục kí. Mùa đông còn đỡ, mùa hè thi mồ hôi nhễ nhại. Thật vất vả cực nhọc.



Nhà Thơ Văn Niaoulis Phạm Văn Giao

·         Giao (Phạm Văn). Một người Niaoulis sinh tại Tân Caledonie. Là một trong những người con trai của cụ cố Phạm Văn Công, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế giới. Ông là một trong rất ít Việt kiều viết văn và thơ ca ngợi cuộc sống muôn hình muôn vẻ của người chân đăng phu mộ VN tại Hải ngoại. Ông đã có nhiều bài thơ như: “Không lời”, “Lời người Cha chân đăng”. Các bài viết như “Chú Li-sơ”, “Hồi hương chuyến hai” và rất nhiều bài khác đăng trên Blog Tân đảo Xưa và Nay. Ông và gia đình sinh sống tại Hà nội.


Xe Citroen Fourgonnette của Hội VN Công đoàn Tagabe

Giẻo (Vũ đình). Là một trong những cán bộ tên tuổi của Hội Việt nam Công nông đoàn Tân đảo. Một ttrong những vệ sĩ của Ban Chấp hành Công đoàn những năm 1946-1947. Sau ông trở thành lái xe đưa đón bà con đi hội họp, và đưa đón các học sinh đi học. Ông hồi hương về Hải phòng năm 1964.



·         Giáo xứ Thiên môn (Porte du Ciel). Nguyên thủy là một nhà khum của Mỹ dùng làm ngôi trường dậy học của Hội Công giáo VN tại Port Vila. Đến năm 1954, Linh mục Nguyễn năng Vịnh đã chỉ đạo xây dựng hoán cải thành Nhà thờ  gọi là Giáo xứ Thiên môn. Tầng trên là Nhà Thờ, bên dưới làm nơi hội họp.
Sau khi khánh thành, Đội Nữ Đồng trinh Fatima, Đội Nam Thanh niên Tử vì đạo, Đội kèn đồng đã ra đời từ Nhà thờ này.
Đên năm 2004, Ông Chánh trương  Ngô văn Vũ đã xây dựng Đài tưởng niệm (Memorial) vinh danh những người đã có công xây dựng Giáo xứ Thiên môn. Năm 2012, Ông Vũ cũng chính thức đống cửa Nhà thờ.

·         Gu-đìn (đồn điên dừa Goddin ở Ren-ta-bao). Có khoảng trên 10 người phu mộ Việt nam làm việc trong đôn điền này. Giáp bờ biển luôn luôn sóng vỗ. Có rất nhiều tôm rồng (tôm hùm), cá và đặc biệt là loại ốc tô-ca (trocas) ăn rất ngon.


Chim gù nô-tu (Notou hặc Nawimba)

·         Gù (Chim). Rừng Tân đảo có nhiều chim gù (Notou hoặc Nawimba). Có con nặng tời gần 1 kí. Thịt thơm ngon. Thanh niên VK Port Vila thường tổ chức săn chim vào những ngày cuối tuần ở rừng E-bu-lê hoặc Forari...

Vần H.

·         Hagen (Sở Ăng-ghền) Santo. Một trong những đồn điền trồng dừa lớn nhất tại đảo Santo. Số công nhân phu mộ VN làm việc tại đây khá đông. Các cuộc đình công phản đối chủ cùng nhiều.

2012. Đoàn hành hương trở về thăm lại cội nguồn

·         Hành hương trở về cội nguồn 2012. Lần đầu tiên sau 50 năm xa cách, một đoàn anh chị em nguyên VK Tân Thế giới – Tân đảo do các ông Trịnh tài và Trần Ngọc Bích dấn đầu gồm 81 người đã tới Noumea tháng 9-10 thăm lại nơi chôn rau cắt rốn và lưu lại 3 tháng. Đoàn đã được Hội AVNC, ANHA, ông bà Nha, chính quyền địa phương và bà con VK đón tiếp thân mật và giúp đõ Đoàn đi thăm nhiều nơi di tích lịch sử cũng như danh lam thắng cảnh của cải nôi đã sinh ra chính ho.
Sau đó một số anh chị em gốc Tân đảo cũ đã về Vila và Santo thăm hỏi bà con và sửa sang lại các phần mộ cho thân nhân đang yên nghỉ tại đây. Ông Đinh văn Thân đã tạo điều kiện ăn uống nghỉ ngơi, tiện nghi sinh hoạt cho Đoàn.


2013. Đoàn Hành hương trở về Cội nguồn

·         Hành hương trở về cội nguồn 2013. Nhờ sự giúp đỡ của AVNC và chính quyền địa phương Noumea, một Đoàn gồm trên 250 anh chị em TTG – TĐ đã trở lại Noumea và Vanuatu.
Vì đông người nên phải tách ra thành nhiều đợt. Cũng như lần trước, Đoàn đã được bà con VK ở Noumea đón tiếp nồng hậu.
Một số anh chị em gôc Vila – Santo cũng trở về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đồng thời tranh thủ sửa sang các phần mộ bị hư hỏng của cha mẹ thân nhân tại nghĩa trang các nơi đây.

·         Ha-bi-lo (Đồn điền Harbulot). Năm 1938-1940. Tại đây đã xẩy ra vụ án kinh hoàng là tên chủ này đã bị người phu mộ VN lập mưu sát hại vì đối xử dã man với người lao động. Theo dòng tin lịch sử thì tên chủ này đã cho bọn cai người bản xứ giết hại tốp công nhân trên đường đi đến tòa đại diện công sứ Pháp ở Santo để tố cáo tội ác của chủ. Trong đó có hai phụ nữ và 3 nam giới. (TLĐSH)


Đoàn chèo Thanh niên Tagabe 1960

·         Hát chèo – cải lương. Hát chèo do Hội VNCNĐ Tagabe tổ chức vui chơi giải trí vào các ngày Tết, ngày Lễ truyền thống của người VN. Ra đời từ những năm 1946 sau khi người phu mộ thoát khỏi vòng nô lệ. Đã góp phần xứng đáng trong việc giữ gin nền văn hóa và phong tục cổ truyền của người VN tại hải ngoại.


Quân cang Port Havannah của Quân đội Hoa kì xây dựng năm 1943 tại phía Tây bắc Efate

1943. Bể chứa nước ngọt tiếp tế cho Hải quân Mỹ ở Cảng Havannah

·         Havannah (Cảng). Port Havannah. Đầu năm 1943, Hải quân Mỹ đã đến đây xây dưng một căn cứ quân sự. Chắc họ thấy cảnh quan ở đây giống với cảnh quan Havannah của Cuba, nên đặt tên như vậy. Trên đất liền họ xây dựng sân bay dã chiến ngay trên đồi Siviri cách đó không xa. Hiện nay còn tồn tại bể chứa nước ngọt cung cấp nước cho tầu quân sự là di tích của thời kì đó. Mục đích của quân đội Hoa kì có mặt tại Tân đảo lúc đó nhằm ngăn chăn quân đội Nhật hoàng từ phía Solomon tràn xuông phía Nam Thái Bình dương.

·         Hiến (Nguyên Văn). Một người nghiện rươu, nghiện thuốc phiện. Phe đối lập thuê ám sát ông Đồng Sỹ Hứa bằng khẩu sung ngắn Colt 45 của Mỹ. Theo tường thuật của ông Hứa thì tên Hiến đã rinh đón trong bóng tối để ám sát khi ông Hứa vừa ra khỏi nhà Cụ Xếp Nho. Nhưng khi chĩa súng vào ngực bóp cò, đạn không nổ. Thừa cơ hắn loay hoay với khẩu súng, ông Hứa đã thoát thân về Trại Tagabê. (TLĐSH)



Đỗ viết Hiếu (Pierre DO) và xương đóng tầu nhuôm Aluminium Boat

·         Hiếu (Đỗ Viết) Pierre DO.  Một Việt kiều thế hệ thứ hai ở Port Vila Tân đảo (Vanuatu). Một nhà đóng và sản xuất tầu đánh cá, vận tải bằng nhuôm nhỏ và tất cả các đồ dùng dân dụng bằng nhuôm, inox.


Môt trong nhiều bức ảnh do nhà nhiếp ảnh  Vũ Tiền Hiếu chụp cách đây 60 năm

·         Hiếu (VŨ Tiến). Thợ chụp ảnh nổi tiếng ở thành phố Luganville đảo Santô. Ông có cửa hàng tạp hoá ngay ở đường  phố chính. Hồi hương năm 1964 về VN, sinh sống ở Hà nôi.





·         Hoa kỳ (quân đội). Năm 1942, quân đội Hoa kì đã đổ bộ vào Noumea. Lập căn cứ không quân và Hải quân. Làm bàn đạp chặn đứng quân đội Nhật hoàng từ phía quần đảo Solomon tràn xuống phía Nam Thái bình dương. Đầu năm 1943 lính Mỹ bắt đẩu đổ bộ lên đảo Tanna, Vila và Santo. Cắn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ năm tại Luganville đảo Santo, quân số lên tới hơn 200 ngàn người. Nhờ sự có mặt của quân đội Mỹ mà đời sống của người phu mộ VN ở Tân đảo đã được cải thiện rất nhiêu.



·         Hoàng hậu Phương Đông (Eastern Queen). EASTERN QUEEN (Nữ hoàng Phương đông)

 

Năm 1960 đã được Chính phủ Pháp thuê đê chuyên chở bà con Việt kiều Tân Thế giới - Tân đảo (Noumea - Vila và Santo) hồi hương về nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Là loại tầu hỗn hợp chở hàng hóa và hành khách.

Được đóng năm 1950 tại Dumbarton nước Anh. Do hãng WM Dennis & Bros.

Dài: 142,7m. Rộng: 19,3m. Tổng trọng lượng: 8.644 t.

Bị phá dỡ ngày 22.2.1974 tại Whampoa Hong kong.



EASTERN QUEEN (IMO: 5096145) is a Passenger/General Cargo Ship 

registered and sailing under the flag of United Kingdom.

Her gross tonnage is 8644 and deadweight is 8900.

EASTERN QUEEN was built in 1950 by WM Denny & Bros.

At Dumbarton.

EASTERN QUEEN length overall (LOA) is 142.7 m,

Beam is 19.3 m.

Her container capacity is 0 TEU.

Demolish 22.2.174 at Whampoa Yard Hong Kong



1960. Phái viên VŨ Hoàng - Bộ Ngoại giao VNDCCH đến Port Vila Tân đảo

    Hoàng (Vũ). 1960. Trưởng Phái viên Bộ Ngoại giao nước VNDCCH sang Tân Thế giới và Tân đảo giải quyết vấn đề Hồi hương Việt kiều. Thực hiên được 3 chuyến VK Nouméa. Đến chuyến thứ tư dành cho VK Vila thì bị đình hoãn do áp lực của chính quyền miền Nam vói chính phủ Pháp.


      Chủ tịch Hồ Chí Minh
       

·         Hồ Chí Minh (Cụ). Một bài hát không rõ tác giả là ai đã được các thầy giáo dậy hát trong các trường Cộng hòa và Công đoàn tại Port Vila Tân đảo những năm 1947-1948. Còn nhớ Bài hát như sau:
“Cụ Hồ Chí Minh, Trời kia đáng ví.
Một lòng vì nhân dân giữ gìn Sông Núi,
Thề quên thân đấu tranh, thề hy sinh máu xương.
Non sông, non sông một áng mây xanh,
Những người Việt nam anh hùng…”




Cụ Nguyễn Văn Hộ (Hỗ) 1912-2014

·         Hộ (Nguyễn Văn).  Thường gọi là cụ Hỗ. Quê ở Hà nam Phủ lý. Sinh năm 1912, mất ngày 13/07/2014 tại TP HCM. Ông là một trong những người sáng lập Hôi Liên đoàn Ái hữu đầu tiên tại Port Vila. Hội này là tiền thân của Hội Việt nam Công đoan Tân đảo, trực thuộc Tổng Công hội Pháp C.G.T. Ông cũng là người chỉ huy xây dựng hàng rào xi-măng cốt thép tại Nghia trang người VN kiên cố cho đến nay vẫn đứng vững.

Tầu S/S VILLE D'AMIENS

·         Hồi hương (Chuyến tầu đầu tiên). Sau cuộc đấu tranh thắng lợi. Từ năm 1947 đến 1950, Chính phủ Pháp đã thực hiện 4 chuyến tầu Hồi hương trên các con tầu Ville d’Amiens và Son Tay, chở 1.791 người về Hải phòng. Trong số đó gần 50 người nguyên là cán bộ chủ chốt của Việt nam Công đoàn Tân đảo và Việt  nam Công nhân Tân Thế giới.
Tầu Ville d'Amiens thực hiện chuyến đầu tiên vào ngày 25/1/1947 chở 564 người trong đó có 64 người của đảo Santo và Malakula.
Chuyến thứ hai vào ngày 25/8/1947 chở 814 người trong đó có trên 300 trẻ em. Đồng thời có gia đình cĐồng Sỹ Hưa, Nguyễn đắc Cát, Phạm văn Ngang, Lưu đình Ngạn,
Đõ Tích Lễ và toàn bộ ban lãnh đạo Hội Việt nam Công Đoàn Tagabe Tân đảo bị trục xuất. Thực ra Vila có trên 600 người và số còn lại là người đảo Santo.



 Tầu M/V SAGITAIRE

 Đến năm 1956, số cựu chiên binh Pháp thất bại ở Đông dương trở lại Noumea đã gây làn sóng chống đối người Việt nam tại đây. Họ đòi duổi hết người Việt ra khỏi Tân Calerdonie. Chính phủ Pháp đã phải đồng ý cho một phái đoàn của chính quyền Nam VN sang Caledonie và Tân đảo để mở văn phòng tự do đăng kí hồi hồi hương. Kết quả là trên 83% đăng kí về Miền Bắc Việt nam.
1958, một phái đoàn thương thuyết của Pháp và Tân Thế giới đã trực tiếp đàm phán với chính phủ VNDCCH. Rổi đến thang 6 năm 1960 hai bên thống nhất việc thực hiện hồi hương cho người chân đăng phu mộ tại Tân đảo – Tân Thế giới về nguyên tắc cứ mỗi tháng có một chuyến chở khoảng trên dưới 500 người hồi hương về Hải phòng...



Tầu Eastern Queen đón Việt kiều tại Cảng Noumea

·         Hồi hương (Nouméa). Ngày 30/12/1960, tầu Eastern Queen (Hoàng hậu Phương đông) đã thực hiện chuyến tầu đầu tiên (chuyến thứ 5 tính từ năm 1947). Đến tháng 2 năm 1961, Eastern Queen đã thực hiện 3 chuyến chở 1.659 Việt kiều Nounea về Hải phòng an toàn.

·         Hồi hương gián đoạn. Chuyến tâu dự kiến vào tháng 3 năm 1961 cho Việt kiều Vila hồi hương đã bị gián đoạn do áp lực của chính quyền miền Nam Việt nam. Nhiều người đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Mãi đến tháng 7 năm 1963, công cuộc hồi hương cùa bà con Việt kiều mới tiếp tục. Do Hội hồng thập tự VN và Pháp tổ chức thực hiện.



Việt kiều Vila Hồi hương

·         Hồi hương Vila. Năm 1963, Hội Hồng Thập tự VN và Pháp đã thay thế Bộ Ngoại giao để giàn xếp công cuộng hồi hương Việt kiều. Chuyến tấu thứ 4 nói chung và là chuyến thứ nhất của Tân đảo đã được tầu Eastern Queen thực hiện chở 550 người hồi hương ngày 28/7/1963. Do không có bến Cảng nên tầu phải neo đậu trong Vịnh Vila. Việc chuyên chở bà con hồi hương bằng sà-lan lên tầu rất vất và và nguy hiểm.


Việt kiều Santo lên tầu Eastern Queen tại Cảng Canal

·         Hồi hương Santô. Trong những năm 1947-1949, bà con VK sính sống ở Santo nằm trong danh sách hồi hương đều phải tập trung về Vila và đặc biệt là khu Đề-bô Thiên lập (Malapoa hoặc Point d’Arbal) để chờ và lên tầu Ville d’Amiens hoặc Sagitaire về Hải phòng. Đến tháng 9/1963, bà con Santo đã được tập trung tại Cảng Canal du Segond để lên tầu Eastern Queen tức Hoàng hậu Phương Đông. An toàn hơn Vila nhiều do tầu áp mạn vào Cảng.

Sưu tầm số liệu về công cuộc hồi hương của bà con VK Noumea - Vila - Santo từ 1960 đến 1964 theo thông tin đăng tải trên báo “les nouvelles caledoniennes” theo thỏa thuận của hai chính phủ VN và Pháp:

30/12/1960: Tầu Eastern Queen thực hiện chuyến tầu đầu tiên chở 551 bà con VK Nouméa Hồi hương.
1961 (29/01): Eastern Queen thực hiện chuyến hai với 537 Việt kiều Tân Thế giới.
1961 (07/03): Chuyến thứ ba với 549 Việt kiều TTG. Sau đó bị đình hoãn vô thời hạn do áp lực của chính quyền Miền Nam đối với kiều dân Pháp.
Hồng Thập tự VN và Pháp đã thỏa thuận tiếp tục hồi hương Việt kiều:
28/07/1963: Chuyến tầu thứ tư. Trên tầu có 66 người nguyên là Việt kiều Tân đảo/Vanuatu sang Nouméa làm ăn sinh sống. Cộng với 490 người Việt nam sinh sống tại đảo EFATE.
28/08/1963: Chuyến tầu thứ 5 chở 550 bà con Việt kiều Santô về Hải phòng.
28/09/1963: Chuyến tầu thứ 6 chở 554 người. (Nouméa)
27/10/1963: Chuyến tầu thứ 7 chở 549 người. (Nouméa)
26/11/1963: Chuyến tầu thứ 8 chở 555 người. (Santô)
26/12/1963: Chuyến tầu thứ 9 chở 182 VK NC - 297 Vila - 73 Santô.
26/01/1964: Chuyến tầu thứ 10 chở 545 người Nouméa.
25/02/1964: Chuyến cuối thứ 11 chở 248 người Nouméa.



Đoàn Thanh niên Santo chụp ảnh trước Hội quán Công Nông đoàn Chapuis

·         Hội quán. Bây giờ gọi là Câu lạc bộ. Rất ít người dùng cái tên hội quán để gọi nơi tập trung hội họp hoặc vui chời giải trí. Từ cuối năm 1946 đã xây dựng các trường dậy học, đồng thời dùng làm nơi hội họp hoặc vui chơi giải trí trong những ngày Lễ, Tết. Ở đảo Efate, Trại số 2 Tagabe có Hội quán Công đoàn, thành phố Vila có Hội  quán Cộng hòa sau đổi tên là Liên Việt. Có Hội quán của cộng đồng người công giáo VN.  Ở đảo Santo, trại Chapuis (Sa-puy) có Hội quán VNCNĐ. Trại Sarakata cũng tập trung về đây hội họp. Trại số 3 Ba-lăng có Hội quán Tương tế, sau đổi tên là Liên Việt.

·         Houchard (Đồn điền U-xà). Một trong 4 đồn điền lớn nhất tại đảo Santô. Có trên dưới 100 phu mộ VN và trên 50 người lao động bản xứ làm việc trong đồn điền rộng lớn gần 1 ngàn héc-ta đất canh tác, nằm rải rác tại Ao-rê, Mã-lô, vùng phía nam đảo Santô. Khi mới tới đây năm 1920, ông U-xà là một thanh niên với hai bàn tay trắng. Ông cũng đã từng chặt cây phá rừng. Đã từng mua lợn gà ở các đảo mang về Thị trấn Luganville để bán. Sau hơn 10 năm làm việc cần cù, cộng với việc du nhập lao động Việt nam, ông đã nhanh chóng mở rộng đất đai lên hơn 500 héc ta. Và đến năm 1940 ông đã có trong tay gần 1 ngàn héc-ta trồng dừa- cà phê, ca-cao, bông sợi…



Anh Nguyễn Đình Huấn (giữa)

·         Huấn (Nguyễn đình). Thanh niên VK sinh ở Noumea Tân Caledonie. Anh là môt trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ban Chấp hành Đoàn Thanh Thiếu niên Ái quốc Tân Thế giới. Chính anh đã cung cấp tư liệu về ý nghĩa mục đích của tổ chức Thanh thiếu niên này cho anh Nguyễn Văn Đại tổ chức xây dựng Đoàn Thanh niên ái quốc Tân đảo của Hội VNCNĐ năm 1956. Gia đình anh Huấn hồi hương về VN, ở phố Khâm thiên Hà nôi. 


Thượng tọa Thích Huyền Diệu 

·         Huyền Diệu (Thượng tọa Thích Huyền Diệu). Năm 2009, Thượng tọa Thích Huyền Diệu đã ghé thăm Vanuatu, nhân chuyến đi giảng kinh tại Úc. Nhà sư đã viết hai cuốn sách: Khi Hồng hạc bay về và Lòng Tri ân. Thầy đã có công lớn trong việc xây dựng Chùa Việt nam Phật quốc tự tại Lâm-tì-ni trên đất Phật Nepal.
 

Cụ Đồng Sỹ Hứa (1915-2005)

·         Hứa (Đồng Sỹ) (1915-2005). Quê ông ở làng Mậu Tài ngoại thành  Thành phố Huế. Năm 1938, Ông là một trong những quan chức được chính phủ Bảo hộ biệt phái sang làm quan phán tại Văn phòng Chánh xứ Pháp ở Port Vila New Hebrides. Đến năm 1946, ông xin từ chức quan phán để lãnh đạo bà con Việt kiều thành lập Liên đoàn Thợ thuyền VN tại Tân đảo. Tháng 6 năm 1946, ông lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi tầu Hồi hương, đòi quyền tự do tìm chủ, tự do làm ăn, tự do đi lại.
Ông có công lớn trong việc xây dựng Trại VN số 2 Tagabe và Hội Việt nam Công đoàn Tân đảo.
Ông là một người thẳng tính, cương trực. Tuy làm việc cho chính quyền Pháp tại Tân  đảo nhưng ông không hề hạ thấp mình và luôn tìm cách để bảo vệ quyền lợi của đồng bào mình. Các chủ đồn điền cũng như chính quyền sở tại cũng không ưa gì tính khí của ông. Nhưng lại rất nể phục trình độ kiến thức và tài biện luận của ông. Họ kháo nhau rằng: ông ta là một cử nhân luật. Bởi thế, sau khi đệ đơn từ chức quan phán, chính quyền Pháp đã yêu cầu ông tiếp tục ở lại làm việc. Nhưng ông đã từ chối.
Ông và gia đình đã bị chính quyền địa phương trục xuất về VN  cùng với đông đảo cán bộ chủ chốt của Hội Việt nam Công đoàn năm 1947 trên con tầu Ville d’Amiens.
Ông bị quản thúc ở Huế, sau đó thoát ly đi theo kháng chiến. Hoà bình, ông làm cán bộ cao cấp tại Tổng Công đoàn VN ở Hà nội.




Chủ tịch LĐAHVN Đặng Long Hưởng (Mặc com-lê trắng thứ ba bên trái có dấu X)

Ảnh chân dung cụ cố Đăng Long Hưởng (Ảnh do chị Pham Hien cung cấp)


     
 
Hưởng (Đặng Long) (1909-1947).

Ông quê ở làng Nam Thắng, Xã Hạt cát, Huyện Giao thuỷ, Tỉnh Nam định. Ông được biệt phái đến Tân đảo (New Hebrides) vùng Nam Thái bình dương làm thông dịch viên cho Tổng Thanh tra C. Bẹc-tô (Charles Berthault) năm 1939 đến năm 1947.
Ông Đặng Long Hưởng nguyên là người sáng lập và là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên đoàn Ái hữu VN tai Port Vila Tân đảo từ năm 1944. Bao gồm các tầng lớp công nhân lao động, công chức trí thức v.v… Ngày 30 tháng 6 năm 1946, Ông Hưởng và ông Đồng sỹ Hứa (Chủ tịch Hiệp hội thợ thuyền VN tại Tân đảo) đã tổ chức kéo cờ đỏ Sao vàng tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo. Nhưng vì bất đồng chính kiến nên Liên đoàn Ái hữu đã chia thành hai phái. Một do ông Đặng Long Hưởng lãnh đạo lấy tên là Việt Nam Cộng hòa, chủ trương đấu tranh chính trị ôn hòa. Còn ông Đồng Sỹ Hứa đã thành lập Hội Công đoàn VN Tân đảo bao gôm lao động và thợ thuyền. Chủ trương đấu tranh bằng uy lực. Hai Hội quán đều treo cờ đỏ sao vàng và ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1946, Ông là người chủ trì xây dựng trường học dậy tiếng VN đầu tiên ở Port Vila Tân đảo lấy tên là "Ecole vietnamienne" ngay đằng sau hiệu thuốc Tây (Pharmacie francaise) sau đổi tên trương là CÔNG HÒA.
Ông luôn khuyên nhủ bà con phu mộ nên định canh định cư làm ăn sinh sống lâu dài ở Tân đảo.
Ông đã qua đời trong vụ tai nạn xe ô tô thảm khốc tại dôc Creek Ai gần Port Havannah phía Tây bắc Efate đúng ngày 1/1/1947.
Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu của người phu mộ VN ở Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu)

·         Hỷ (Phạm Đình). Nguyên là Đốc công tại đồn điền Têuma. Làm thủ quỹ của Hội VNCNĐ Tagabê Tân đảo. Ông bà ở lại không hồi hương và qua đời ở Port Vila Vanuatu. Bà Hỷ là người sản xuất chế biến món mắm tép nổi tiếng ở Tân đảo.





Tác giả xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã xem và chia sẻ góp ý.

Để giúp quý vị hiểu thêm về đất nước Tân đảo xưa nay là Vanuatu. Xin mời quý vị bấm vào link này, để xem hơn 2 ngàn ảnh về Port Vila do jeanvanjean thực hiện:




Xin chúc quý vị luôn vui khỏe và hạnh phúc.

Hẹn gặp lại quý vị ở tập tiếp theo vần    trong kì tới.

Xin mời quý vị bấm vào link dưới đây để thưởng thức bài hát:

 
Bài hát ngày về - Thanh Tuyền




Nhớ về cố hương








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét